Soạn văn 7
Thành ngữ
Hướng dẫn trả lời
THẾ NÀO LÀ THÀNH NGỮ?
1. Nhận xét thành ngữ lên thác xuống ghềnh:
a)
- Không thể thay một vài từ trong cụm từ bằng những từ khác vì ý nghĩa sẽ trở nên lỏng lẻo.
- Không hoán đổi được vị trí của các từ trong cụm từ vì đây là trật tự từ cố định.
b) Đặc điểm cấu tạo của cụm từ trên là chặt chẽ về thứ tự các từ và nội dung ý nghĩa.
2.
a) Cụm từ lên thác xuống ghềnh có nghĩa là lặn lội, khó khăn, nguy hiểm.
b) Nhanh như chớp: hành động mau lẹ, rất nhanh, rất chính xác.
SỬ DỤNG THÀNH NGỮ
1. Vai trò ngữ pháp của các thành ngữ trong câu:
- Bảy nổi ba chìm: vị ngữ
- Tắt lửa tối đèn: phụ ngữ cho danh từ khi.
2. Cái hay của việc dùng các thành ngữ là: cô đọng, hàm súc, có tính hình tượng và tính biểu cảm cao.
LUYỆN TẬP
Tìm và giải thích các thành ngữ trong các câu sau đây
a. Đến ngày lễ Tiên Vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì.
(Bánh chưng, bánh giầy)
b. Một hôm, có người hàng rượu tên là Lí Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: "Người này khoẻ như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu". Lí Thông lân la gợi chuyện, rồi gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em. Sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, nay có người săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời.
(Thạch Sanh)
c. Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
a)
- Sơn hào hải vị: các món ăn, sản phẩm lạ của trên núi, dưới biển.
- Nem công chả phượng: món ăn quý hiếm.
b)
- Khỏe như voi: rất khỏe.
- Tứ cố vô thân: không ai thân thích, ruột thịt.
c) Da mồi tóc sương: da đã có những chấm đồi mồi, tóc đã bạc → chỉ nhan sắc đã thay đổi.
Kể vắn tắt các truyền thuyết và ngụ ngôn tương ứng để thấy rõ lai lịch của các thành ngữ “Con Rồng cháu tiên", “Ếch ngồi đáy giếng”, "Thầy bói xem voi"
Kể vắn tắt:
Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”:
Lạc Long Quân là người mình rồng sống ở dưới nước. Âu Cơ là con gái thần Nông xinh đẹp. Hai người gặp nhau, yêu nhau và kết duyên thành vợ chồng. Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra 100 người con. Sau đó, vì không quen ở trên cạn, Lạc Long Quân đã chia 50 con ở với Âu Cơ và 50 con ở với Lạc Long Quân. Về sau, cứ hễ có việc gì sẽ giúp nhau.
Truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”:
Ếch là một con vật sống lâu ngày trong giếng. Nó cứ nghĩ mình lớn nhất, oai vệ nhất, luôn coi trời bằng vung. Trời mưa, nước dênh ếch ra ngoài giếng. Vì quen thói hênh hoang nên nó đã bị con trâu giẫm bẹp.
Truyện “Thầy bói xem voi”:
Có 5 ông thầy bói rủ nhau đi xem voi. Vì không nhìn thấy nên mỗi ông sờ một bộ phận của con voi và đưa ra những nhận xét không đúng. Cuối cùng, không thầy nào chịu nhường thầy nào nên các thầy xảy ra xô xát.
Điền thêm yếu tố để thành ngữ được trọn vẹn.
Lời ... tiếng nói
Một nắng hai ...
Ngày lành tháng ...
No cơm ấm ...
Bách ... bách thắng
Sinh ... lập nghiệp
Các thành ngữ trọn vẹn:
- Lời ăn tiếng nói.
- Một nắng hai sương.
- Ngày lành tháng tốt.
- No cơm ấm bụng.
- Bách chiến bách thắng.
- Sinh cơ lập nghiệp.
Sưu tầm một số thành ngữ chưa được giới thiệu trong sách giáo khoa và giải nghĩa các thành ngữ ấy
Tìm thêm các thành ngữ:
- Nhà tranh vách đất: chỉ sự nghèo nàn.
- Ruột để ngoài da: hay quên, vô tâm.
- Mèo mù vớ cá rán: sự may mắn bất ngờ có được.
- Nước đổ lá khoai: phí công, vô ích.
- Ném tiền qua cửa sổ: lãng phí, vô lối.
Thảo luận