Soạn văn 9
Thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi
PHẦN I - NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN VIẾT THƯ (ĐIỆN)
Những trường hợp cần viết thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi
Sau đây là một số trường hợp cần gửi thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi:
a) Em gửi thư (điện) chúc mừng người thân, bạn bè ở xa nhân dịp sinh nhật hoặc có những niềm vui lớn (đoạt giải cao trong thi cử, chuyển nhà mới, được phong tặng các danh hiệu cao quý,…).
b) Báo nhân dân thường đăng tin các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện chúc mừng đến các nguyên thủ quốc gia các nước bạn nhân dịp họ được đảm nhận cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước.
c) Khi người thân, bạn bè ở xa gặp rủi ro, mất mát, em gửi thư (điện) thăm hỏi (chia buồn).
d) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em thường nghe tin các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện thăm hỏi đến các vị lãnh đạo nước bạn khi các nước đó gặp thiên tai hoặc những thiệt hại, rủi ro lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của nhiều người.
Câu hỏi:
a) Những trường hợp nào cần gửi thư (điện) chúc mừng và những trường hợp nào cần gửi thư (điện) thăm hỏi.
b) hãy kể thêm một số trường hợp cụ thể cần gửi thư (điện) chúc mừng hoặc thư (điện) thăm hỏi.
c) Cho biết mục đích và tác dụng của thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi khác nhau như thế nào.
a.
- Trường hợp cần gửi thư (điện) chúc mừng: a,b
- Trường hợp cần gửi thư (điện) thăm hỏi: c,d
b.
- Trường hợp cần gửi thư (điện) chúc mừng: Nhân dịp sinh nhật, ngày lễ...
- Trường hợp cần gửi thư (điện) thăm hỏi: Họ hàng bị bệnh tật, ốm đau...
c. Mục đích
- Thư (điện) chúc mừng: biểu dương, khích lệ thành tích của người nhận.
- Thư (điện) thăm hỏi: động viên, an ủi vượt qua khó khăn.
PHẦN II - CÁCH VIẾT THƯ (ĐIỆN) CHÚC MỪNG VÀ THĂM HỎI
a) (Họ tên và địa chỉ người nhận)
Nhân dịp xuân Quý Mùi, em xin chúc thầy cô và toàn thể gia đình dồi dào sức khoẻ, thành đạt và nhiều niềm vui.
(Họ tên và địa chỉ người gửi)
b) (Họ tên và địa chỉ người nhận)
Nhận được tin bạn đoạt Huy chương Vàng môn nhảy cao trong Hội khỏe Phù Đổng, cả lớp vô cùng xúc động và tự hào. Xin nhiệt liệt chúc mừng và mong bạn mạnh khỏe, tiếp tục giành được nhiều huy chương.
(Họ tên và địa chỉ người gửi)
c) (Họ tên và địa chỉ người nhận)
Qua truyền hình, được biết quê hương và gia đình bạn chịu nhiều tổn thất trong trận bão vừa rồi, mình hết sức lo lắng. Xin gửi đến bạn và toàn thể gia đình niềm cảm thông sâu sắc. Mong gia đình bạn nhanh chóng vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
(Họ tên và địa chỉ người gửi)
Câu hỏi:
a. Nội dung thư (điện) chúc mừng và thư (điện) thăm hỏi giống nhau và khác nhau như thế nào ?
b. Em có nhận xét gì về độ dài của thư (điện) chúc mừng và thư (điện) thăm hỏi ?
c. Trong thư (điện) chúc mừng và thư (điện) thăm hỏi có điểm nào giống nhau ?
d. Lời văn của thư (điện) chúc mừng và thư (điện) thăm hỏi có điểm nào giống nhau ?
a.
- Giống nhau ở hình thức trình bày; nội dung thể hiện tình cảm của người viết.
- Khác nhau ở mục đích:
- Thư (điện) chúc mừng: Khích lệ, cổ vũ thành tích của người nhận.
- Thư (điện) thăm hỏi: An ủi, động viên giúp người nhận vượt qua khó khăn.
b. Nhận xét về độ dài của thư (điện): Cần trình bày ngắn gọn.
c. Trong thư (điện) tình cảm được thể hiện chân thành.
d. Lời văn thư (điện) súc tích.
Thử cụ thể hoá các nội dung sau đây bằng những cách diễn đạt khác nhau:
Lí do cần viết thư (điện) chúc mừng hoặc thăm hỏi.
Suy nghĩ và cảm xúc của người gửi đối với tin vui hoặc nỗi bất hạnh, điều không may của người nhận.
Lời chúc và mong muốn của người gửi.
Lời thăm hỏi, chia buồn của người gửi
Cụ thể hóa :
a. Đối với thư ( điện ) chúc mừng:
Lí do :
- Nhân dịp…
- Nhận được tin bạn/ anh/ chị/ em đạt …
- Qua…mình rất vui khi biết…
Suy nghĩ, cảm xúc của người gửi :
- Tôi/tớ/em… hết sức vui mừng…
- Tôi/ tớ/ em…rất tự hào…
- Tôi thân ái gửi tới…lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
- Tôi rất vui khi biết…
Lời chúc và mong muốn của người gửi :
- Em xin chúc…dồi dào sức khỏe, thành đạt, nhiều niềm vui.
- Tôi mong rằng …và đạt được nhiều…trong tương lai.
- Em/tớ xin chúc anh/chị/cậu…luôn mạnh khỏe, học tập tốt và đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa trong cuộc sống.
b.Thư ( điện) thăm hỏi
Lí do :
- Qua phương tiện thông tin đại chúng…tôi được biết…
- Được tin…tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới…
- Được biết trong cơn bão/ lũ/động đất…vừa qua, gia đình bạn/ anh/ … đã chịu nhiều tổn thất…
Suy nghĩ, cảm xúc của người viết :
- Tôi vô cùng đau lòng khi biết…
- Mình/ anh/ em/tôi hết sức lo lắng/ thương tiếc…
Lời thăm hỏi :
-
- Em/mình… xin được chia sẻ nỗi buồn và mong bạn cùng gia đình mạnh mẽ vượt qua mất mát này.
- Tôi/mình…xin bày tỏ sự cảm thông và rất mong …vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cách viết thư điện, chúc mừng và thăm hỏi
Từ hai bài tập trên, em hãy cho biết nội dung chính của thư (điện) chúc mừng, thư (điện) thăm hỏi và cách thức diễn đạt trong các bức thư (điện) đó.
- Nội dung chính của thư (điện) chúc mừng là khích lệ, cổ vũ thành tích của người nhận. Ngược lại, thư (điện) thăm hỏi là an ủi, động viên giúp người nhận vượt qua khó khăn.
- Cách thức diễn đạt: Ngắn gọn, chính xác và súc tích.
PHẦN III - LUYỆN TẬP
Hoàn chỉnh lần lượt ba bức điện ở mục II.1 theo mẫu sau đây:
TỔNG CÔNG TI BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
ĐIỆN BÁO
Họ, tên, địa chỉ người nhận:…
Nội dung:…
Họ, tên địa chỉ người gửi: (Cần chuyển thì ghi, không thì thôi):…
Họ, tên địa chỉ người gửi: (Phần này không chuyển đi nên không tính cước, nhưng người gửi cần ghi đầy đủ, rõ ràng để bưu điện tiện liên hệ khi chuyển phát điện báo gặp khó khăn. Bưu điện không chịu trách nhiệm nếu khách hàng không ghi đầy đủ theo yêu cầu.):…
- Họ tên địa chỉ người nhận : Nguyễn Văn A, Số 5D - Hàm Long - Hà Nội.
- Nội dung: Nhân dịp sinh nhật, tớ chúc cậu mạnh khỏe, hạnh phúc và ngày càng học giỏi.
- Họ tên địa chỉ người gửi: Nguyễn Thị B, Số 7 - Tây Sơn - Hà Nội.
Trong các tình huống nêu dưới đây, tình huống nào cần viết thư (điện) chúc mừng, tình huống nào cần viết thư (điện) thăm hỏi?
a) Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái lên vũ trụ.
b) Nhân dịp một nguyên thủ quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam được tái đắc cử.
c) Trận động đất lớn làm thiệt hại người và tài sản ở một nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
d) Bạn thân, đồng thời đang là hàng xóm của em vừa được giải Nhất kì thi học sinh giỏi Văn toàn tỉnh.
e) Anh trai em mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nước ngoài.
Thư (điện) thăm hỏi: c
Thư (điện) chúc mừng: a, b, d, e.
Hoàn chỉnh một bức điện mừng theo mẫu của bưu điện (xem bài tập 1) với tình huống tự đề xuất.
- Họ tên địa chỉ người nhận: Phạm Văn C, Trường THCS Quang Trung - Đống Đa - Hà Nội.
- Nội dung: Chúc mừng bạn đã hoàn thành xuất sắc kì thi học sinh giỏi văn hóa cấp thành phố.
- Họ tên và địa chỉ người gửi: Nguyễn Văn D, Trường THCS Giảng Võ - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Nhiều người quan tâm
-
Phong cách Hồ Chí Minh - Lê Anh Trà
-
Các phương châm hội thoại
-
Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh
-
Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh
-
Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - G.G.Mác-két
-
Các phương châm hội thoại (tiếp theo)
-
Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh
Thảo luận