Soạn văn 8
Đi đường (Tẩu lộ) - Hồ Chí Minh
Bố cục & Nội dung chính
Bố cục:
- Câu 1 – khai
- Câu 2 – thừa
- Câu 3 – chuyển
- Câu 4 – hợp
Nội dung chính: Đi đường là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc; từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời: vượt qua gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang.
Hướng dẫn trả lời
Đọc kĩ các phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích để hiểu rõ nghĩa các câu thơ.
HS tự đọc
Tìm hiểu kết cấu bài thơ.(Gợi ý: dựa vào mô hình kết cấu bài tứ tuyệt Đường luật - khai, thừa, chuyển, hợp - đã được biết ở lớp dưới; chú ý mối liên hệ lô-gíc giữa các câu thơ và vị trí của câu thứ ba).
Kết cấu bài thơ:
- Câu 1 - câu khai (khởi), mở ra ý thơ: Nói đến sự gian lao như là điều hiển nhiên của người đi đường
- Câu 2 - câu thừa có vai trò mở rộng, triển khai, cụ thể hoá ý đã được mở ra ở câu khai: Khó khăn, gian nan của người đi đường được cụ thể bằng hình ảnh lớp lớp núi non hiểm trở
- Câu 3 - câu chuyển, chuyển ý, câu này rất quan trọng trong việc bộc lộ tứ thơ. Hàm ý của bài tứ tuyệt bộc lộ bất ngờ ở câu này: Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót vót
- Câu 4 - câu hợp, quan hệ chặt chẽ với câu chuyển thành một cặp câu thể hiện rõ ý chuyển và thâu tóm lại ý tứ của toàn bài: Thì muôn dặm nước non thu cả vào trong tầm mắt.
Việc sử dụng các điệp từ trong bài thơ (cả ở bản chữ Hán và bản dịch thơ) có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?
- Điệp từ “tẩu lộ, trùng san”
- Tác dụng
- Tạo âm hưởng, nhịp điệu cho bài thơ.
- Nhấn mạnh những khó khăn, gian khổ mà người đi đường phải vượt qua.
- Khẳng định tinh thần cứng cỏi của người khi vượt qua những điều chông gai.
Phân tích câu 2 và câu 4 để làm rõ nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng của người đứng trên cao ngắm cảnh. Hai câu thơ này, ngoài ý nghĩa miêu tả còn có ngụ ý gì nữa không?
Câu thơ thứ 2: Trùng san chi ngoại hựu trùng san
→ Miêu tả cái khó khăn vất vả triền miên của người đi bộ đường núi
Câu thơ thứ 4: Vạn lí dư đồ cố miện gian
→ Vẽ ra tư thế đĩnh đạc, đường hoàng cũng như tâm thế sảng khoái bay bổng của thi nhân. Dường như ta bắt gặp nhà thơ đang dang rộng bàn tay như muốn ôm cả non sông đất trời, đón nhận cảnh sắc thiên nhiên bao la, khoáng đạt trong niềm sung sướng của một con người vừa vượt qua một chẳng đường đi vất vả.
Hai câu thơ không chỉ có ý nghĩa miêu tả mà còn là một bài học thấm thía, sâu sắc mà ngắn gọn về đường đời: nếu kiên trì, chịu khó vượt qua gian lao chồng chất, nhất định sẽ tới thắng lợi vẻ vang.
Theo em, đây có phải bài thơ tả cảnh, kể chuyện không? Vì sao? Hãy nêu vắn tắt nội dung ý nghĩa bài thơ.
Bài thơ không thuộc loại tả cảnh hay tự sự (kể chuyện). Bài thơ thiên về triết lí (triết lí ẩn dưới cái vỏ miêu tả và tự sự). Đi đường, vì thế có hai lớp nghĩa: nghĩa đen miêu tả, kể lại những gian khó của việc đi đường núi, nghĩa bóng ngụ ý về con đường cách mạng, về đường đời. Qua bài thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nêu ra một chân lí: con đường cách mạng là lâu dài và gian khổ, nhưng nếu kiên trì và bền bỉ, thì nhất định sẽ đạt tới thành công.
Thảo luận