Soạn văn 11
Thao tác lập luận bình luận
PHẦN I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta rất hay gặp từ bình luận (bình luận tình hình thời sự, bình luận quân sự, bình luận thể thao,…). Theo anh (chị), từ bình luận trong những trường hợp ấy mang ý nghĩa gì?
Bình luận trong các trường hợp trên nhằm đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá, bàn luận về sự đúng/sai, hay/dở, lợi/hại của vấn đề.
Hãy tìm hiểu một lần nữa đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ (Ngữ văn 11, tập một)
a) Trong đoạn trích đó, tác giả có nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở không? Có bàn bạc sâu rộng vấn đề được nói đến hay không? Nếu có thì đích cuối cùng của các lời nhận định, đánh giá, bàn bạc đó là gì?
b) Nguyễn Trường Tộ có lí do để viết Xin lập khoa luật không, nếu vào lúc bấy giờ, ai nấy đều đã thống nhất rằng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa, rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức?
c) Dựa vào nhận thức về ý nghĩa của từ bình luận trong mục 1, anh (chị) thấy Xin lập khoa luật có phải là một đoạn trích có tính chất bình luận không? Vì sao không thể coi đây là một đoạn trích chứng minh hay giải thích?
a) Trong đoạn trích, Nguyễn Trường Tộ có đưa ra những nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở (Ai hiểu luật được sẽ làm quan,… Bất cứ một hình phạt nào ở trong nước không vượt ra ngoài luật…) đồng thời cũng có bàn bạc mở rộng (Biết rằng đạo làm người không gì lớn bằng trung hiếu…). Tất cả những lập luận đều nhằm hướng tới khẳng định vai trò của pháp luật và việc giáo dục luật pháp trong xã hội.
b) Nguyễn Trường Tộ rõ ràng có lí do để đề nghị lập khoa luật bởi trên thực tế, muốn trị nước phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu lễ nghĩa và rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức.
c) Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn lập luận bình luận vì nó thể hiện rõ tính chất đề xuất vấn đề đồng thời các lập luận cũng là để hướng vào thuyết phục người đọc tán đồng thời với những nhận xét, đánh giá của tác giả.
Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận. Vì sao?
Giải thích:
- Như vậy mới nắm vững được cách tổ chức luận cứ, luận điểm → đạt tới mục đích đặt ra.
- Để vận dụng trong quá trình trình bày → tạo sự lôi cuốn, thuyết phục.
Tại sao có thể nói rằng con người hôm nay cần biết bình luận, dám bình luận và do đó, phải nắm vững kĩ năng bình luận?
- Con người cần thiết bình luận, dám bình luận: để thể hiện chính kiến, quan điểm của mình và thuyết phục được người nghe về những vấn đề đó.
- Phải nắm kĩ năng bình luận thì bình luận hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục khách quan.
PHẦN II - CÁCH BÌNH LUẬN
Có nhiều cách bình luận. Sau đây là một trong những cách thường gặp nhất. Theo cách này, tiến trình bình luận bao gồm ba bước. Anh (chị) hãy lần lượt xem xét từng bước và trả lời các câu hỏi đặt ra cho mỗi bước.
- Bước 1: Nêu hiện tượng/vấn đề cần bình luận
- Nêu rõ thái độ và sự đánh giá của người bình luận với vấn đề được đưa ra.
- Đảm bảo trung thực, khách quan, ngắn gọn, rõ ràng.
- Bước 2: Đánh giá vấn đề cần bình luận. Tùy từng vấn đề mà lựa chọn cách đánh giá:
- Đứng về một phía, tìm lí lẽ, dẫn chứng để ủng hộ phía đúng, phê phán phía sai.
- Kết hợp phần đúng của mỗi phía, loại bỏ phần hạn chế để đi tới sự đánh giá công bằng.
- Đưa ra cách đánh giá phải/trái, đúng/sai, hay/dở của riêng mình sau khi đã phân tích các quan điểm, ý kiến khác nhau về đề tài cần bình luận.
- Bước 3: Bàn về hiện tượng/vấn đề cần bình luận
- Bàn về thái độ, hành động, cách giải quyết trước hiện tượng vừa đánh giá.
- Bàn về những điều có thể rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh sống, lứa tuổi của mình và của những người đang nghe bình luận.
- Bàn về những ý nghĩa xa rộng, sâu sắc hơn mà hiện tượng/vấn đề có thể gợi ra.
Hướng dẫn luyện tập
Có người cho rằng bình luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?
Bình luận không phải là giải thích, chứng minh hay kết hợp giải thích với chứng minh. Vì:
- Mục đích 3 kiểu bài này khác nhau.
- Bản chất của bình luận là tranh luận về vấn đề mà tất cả người tham gia bình luận đều đã biết và đều có ý kiến riêng về vấn đề đó.
Đoạn trích nào sau đây có sử dụng thao tác bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh (chị) có thể kết luận là có (hoặc không)?
Căn cứ vào những ý kiến đánh giá, bàn luận và mở rộng, có thể khẳng định đoạn trích có sử dụng thao tác bình luận:
- Vấn đề bình luận: tai nạn giao thông.
- Đánh giá:
- Ý thức non kém của một số người dân Việt Nam khi tham gia giao thông là nguyên nhân quan trọng cướp đi sinh mạng nhiều người (đánh giá về nguyên nhân).
- Đó là tổn thương quá lớn cho lực lượng lao động của đất nước (đánh giá về kết quả).
- Bàn bạc, mở rộng vấn đề: bàn về thái độ, hành động, cách giải quyết vấn đề.
- Mỗi người tự điều chỉnh mình, trước hết là tự cứu mình… tham gia giao thông.
- Cần có chương trình truyền thông hiệu quả hơn.
Sau khi đọc và suy nghĩ kĩ về đoạn trích Xin lập khoa luật, anh (chị) thấy mình còn có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và của việc giáo dục pháp luật trong xã hội?
Bình luận thêm về vai trò của pháp luật và việc giáo dục pháp luật trong xã hội sau khi đọc “Xin lập khoa luật”:
- Thực trạng hiểu biết và thực hiện luật trong xã hội.
- Vai trò của luật pháp trong xã hội hiện đại.
- Mức độ hợp lí và hiệu quả của các bộ luật hiện nay.
- Giải pháp để việc thực hiện luật nghiêm minh trong xã hội.
Thảo luận